Tuyến đường ven biển dài 77 km, được mở rộng 6-8 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, là công trình thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội phía đông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phối cảnh cầu sông Rạng tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, ở điểm đầu dự án.
Đường ven biển (ĐT 994) hiện hữu nối TP Vũng Tàu – Bình Thuận, được xây dựng gần 20 năm trước. Vài năm gần đây, tuyến dần trở nên nhỏ hẹp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định đầu tư nâng cấp đường lên 6-8 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án được chia làm 8 đoạn thành phần, với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án giao đường 991B ở thị xã Phú Mỹ, điểm cuối giao quốc lộ 55 tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Thiết kế dự án gần khu vực nút giao quốc lộ 51.
Đường ven biển đoạn nút giao với đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Nút giao đường ven biển với quốc lộ 51 (đoạn đầu đường Trường Sa, xã Long Sơn).
Cung đường Đèo Nước ngọt, nối hai huyện Long Điền và Đất Đỏ, là địa điểm hoang sơ, hiện thu hút đông du khách ghé thăm.
Theo đề xuất, khu vực Đèo Nước ngọt ngoài mở rộng đường, chủ đầu tư sẽ xây bãi đậu xe, các điểm dừng chân, cầu đi bộ ngắm biển.
Phối cảnh nút giao đường ven biển với một khu du lịch.
Hiện dọc tuyến đường từ huyện Long Điền đến biển Hồ Tràm có hàng chục dự án du lịch đang xây dựng và đi vào hoạt động. Tuyến đường “xương sống” chạy ven biển này được kỳ vọng là trợ lực để Hồ Tràm trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai.
Đoạn đầu dự án từ xã Long Sơn đến quốc lộ 51 đang được thi công mở rộng. Tuyến đường được khởi công ngày 17/6 và dự kiến hoàn thành quý 3/2025.
Theo kế hoạch, các cầu Gò Găng, Chà Và nối Vũng Tàu với xã đảo Long Sơn nằm trên tuyến sẽ giữ nguyên. Một số cầu như sông Rây 2, Cửa Lấp 2, Cây Khế… được xây mới song song cầu hiện hữu.
Đoạn trên tuyến chạy qua khu nghỉ dưỡng ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, đã được mở rộng lên 8 làn xe bằng nguồn vốn doanh nghiệp.
Khi các dự án thành phần hoàn tất sẽ kết nối hạ tầng tạo nên hành lang kinh tế nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải với sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… phục vụ phát triển du lịch phía đông của tỉnh và nhu cầu vận tải hàng hóa liên tỉnh.
Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc khu vực Đông Nam Bộ, có diện tích hơn 1.982 km2, gồm hai thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 5 huyện; dân số gần 1,2 triệu người. Mới đây tỉnh đặt mục tiêu lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, với các trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển và logicstics, du lịch và đô thị, dịch vụ.
Trong tương lai, Bình Thuận đã triển khai hai dự án đường ven biển với kinh phí gần 1.600 tỷ đồng để phát triển du lịch, gồm: Đường ven biển 719B đoạn Kê Gà – Phan Thiết được làm mới, đi qua xã Tiến Thành (Phan Thiết) và huyện Hàm Thuận Nam; và dự án nâng cấp, mở rộng đường 719 hiện hữu đoạn Kê Gà – Tân Thiện đi qua hai xã Tân Thành, Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) và 6 phường xã thuộc thị xã La Gi.
Ngoài ra, tỉnh đồng thời cũng lập kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Đồng thời, tỉnh đề nghị các ngành sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh.
Bên cạnh hạ tầng giao thông đường bộ, hiện nay dự án sân bay Phan Thiết cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Lam Lam BĐS