Với mục đích đánh thức tiềm năng du lịch hướng về thiên nhiên, sản phẩm xanh gắn với bảo vệ môi trường hiện đang là xu hướng được nhiều đối tượng khách yêu thích. Việc tổ chức khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch xanh tại các địa phương có lợi thế về rừng, hồ, núi, thác vừa thúc đẩy du lịch các huyện vùng cao phát triển, vừa tạo nên những tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách đến tham quan và trải nghiệm. Hơn nữa, sản phẩm “du lịch xanh” và tận hưởng thiên nhiên trong lành hiện rất phù hợp với giới trẻ cũng như những du khách yêu thích khám phá những điểm đến mới lạ.
Khảo sát Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, diện tích hơn 10ha nằm trong rừng Sa Lôn (xã Đông Giang, Hàm Thuận Bắc) với nhiều dấu tích như: hội trường, hầm trú ẩn của các đồng chí lãnh đạo, nhà làm việc các cơ quan, đơn vị tham mưu, phục vụ, bếp Hoàng Cầm… các đơn vị lữ hành đánh giá Khu di tích như là điểm tham quan độc đáo đưa vào khai thác cho tour du lịch vùng cao Bình Thuận. Trong khi đó, tại các điểm du lịch sinh thái như hồ Hàm Thuận – Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc); Vườn hoa La Ngâu, Khu Du lịch La Ngâu Rock Stream, Khu Du lịch sinh thái Thác Bà (huyện Tánh Linh) lại có đầy đủ yếu tố của sản phẩm du lịch xanh gắn với khám phá những vẻ đẹp rất riêng của rừng – thác – hồ Bình Thuận.
Theo chị Phan Thị Phong, điều hành tour của Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông Bình Thuận, qua đợt khảo sát với các điểm đến hấp dẫn, thú vị và sở hữu những nét riêng vùng cao Bình Thuận chắc chắn sẽ là những tour du lịch mới lạ, hấp dẫn để thu hút đông đảo du khách khi đưa vào thiết kế và khai thác. Và để chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới, Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông sẽ nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến du lịch theo hướng rừng – thác – hồ cho nhiều đối tượng khách, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên và các gia đình có trẻ nhỏ thích khám phá, tìm hiểu thiên nhiên.
Xem thêm: Hồ Núi Đất – viên ngọc bích giữa núi đồi Đông Nam
Dưới góc nhìn của một phóng viên chuyên viết mảng du lịch – Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Du Lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Ngô Văn Quốc Bảo cho biết, bên cạnh lợi thế về sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch xanh gắn trải nghiệm thiên nhiên “rừng – thác – hồ” Bình Thuận rất có tiềm năng và lợi thế, phù hợp với giới trẻ, du khách quốc tế và xu hướng du lịch hiện nay. Lựa chọn những sản phẩm du lịch xanh, du khách có thể trải nghiệm được cái mới mẻ, đặc sắc và kỳ vĩ về cảnh quan rừng núi Bình Thuận. Đồng thời, việc liên kết tour, tuyến và các điểm đến riêng có của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ tạo ra sức hấp dẫn, độc đáo và sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút du khách đến, góp phần cho sự phát triển của ngành Du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Linh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận cho biết: “Cùng với du lịch biển vẫn là thế mạnh của Bình Thuận, để đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh, tạo cảm giác mới lạ về du lịch trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tổ chức chuyến khảo sát tiềm năng rừng – thác – hồ nhằm phát triển thành sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh để mời gọi khách du lịch. Các điểm đến như Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, Hồ Hàm Thuận – Đa Mi Khu Du lịch sinh thái Thác Bà… có rất nhiều tiềm năng tạo ra sản phẩm du lịch mới, mời gọi du khách đến”.
Ngày nay, du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến và sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều khám phá thú vị. Vì vậy, xu hướng du lịch tìm về những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Do vậy, không chỉ địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng mới trong việc phát triển du lịch xanh, mà còn quan tâm đầu tư cho sản phẩm du lịch mới một cách bền vững, các điểm đến cần tổ chức tốt dịch vụ, phát triển thêm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn như cắm trại ngoài trời, tour khám phá thiên nhiên, xây dựng sản phẩm du lịch về rừng – thác – hồ, đánh thức tiềm năng du lịch xanh đưa vào khai thác phục vụ du khách, tạo đà cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của ngành Du lịch Bình Thuận. Đồng thời, nhờ Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã rút ngắn thời gian di chuyển của lượng lớn du khách từ khắp các tỉnh thành di chuyển về Bình Thuận góp phần phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua.
Xem thêm: Cao tốc liền mạch, du lịch biển LaGi – Bình Thuận thu hút thêm nhiều khách
Tiềm năng rừng – thác – hồ của Bình Thuận đã được nhiều chuyên gia về du lịch đánh giá rất độc đáo, kỳ vĩ và hấp dẫn. Bên cạnh đó, giao thông tại các điểm tham quan tương đối thuận lợi, chắc chắn khi được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, sản phẩm du lịch khám phá và trải nghiệm du lịch xanh, du lịch mạo hiểm rừng – thác – hồ tại Bình Thuận sẽ thu hút sự quan tâm không những của du khách trong và ngoài nước mà còn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực du lịch.
Hiện nay, các cấp ngành trong tỉnh Bình Thuận đang cùng chung tay tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, trong đó có định hướng đa dạng sản phẩm du lịch và tạo ra sản phẩm du lịch xanh, phát triển bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ giải pháp của các đơn vị, du lịch Bình Thuận tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh.
Xem thêm: La Gi: Nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đã đón 2,9 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm 2022), doanh thu ước đạt trên 7.260 tỷ đồng (tăng 2,6 lần so cùng kỳ năm trước).
Bảo Anh BĐS