Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) được dự báo tiếp tục gặp khó khăn thì các chính sách, chỉ đạo mới của Chính phủ chắc chắn sẽ góp phần tháo gỡ và thúc đẩy để phục hồi, phát triển lành mạnh.
Từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và rơi vào trầm lắng. Trải qua 5 tháng đầu năm 2023 thị trường vẫn tồn tại tình trạng chờ đợi, ảm đạm. Tuy nhiên, thị trường gần đây xuất hiện những điểm sáng, dự báo sẽ sớm đảo chiều.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Phương Đông – cho biết, thời gian qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn và triển khai dự án. Giai đoạn vừa rồi, giá vật liệu tăng cao, chi phí đầu tư bị đội lên. Thị trường thời gian qua có quá nhiều biến động, nên một số chủ đầu tư đã từ bỏ không phát triển dự án mới.
Theo ông Tuấn, kể từ quý IV/2022, quy mô hoạt động của công ty buộc phải thu hẹp và cơ cấu tổ chức cũng phải tinh gọn lại. Có phòng ban của công ty chỉ còn giữ lại bộ khung cấp quản lý.
Từ cuối năm 2022 trở lại đây, hàng loạt chỉ đạo mạnh mẽ từ Thủ tướng; sự khẩn trương tháo gỡ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trở thành “trợ lực” cho thị trường BĐS hồi phục.
Có thể kể đến Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chính phủ tiếp tục ban hành Văn bản số 178 thúc đẩy thị trường BĐS.
Hay như Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”; Nghị định số 10 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”.
Từ tháng 3/2023, hàng loạt văn bản, chỉ đạo nóng của Chính phủ về thị trường bất động sản được ban hành. Cụ thể, Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chính phủ tiếp tục ban hành Văn bản số 178 thúc đẩy thị trường bất động sản.
Hay như Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”; Nghị định số 10 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nhận định, có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án BĐS.
Đã có một loạt các “chuyển động” liên quan đến thị trường BĐS như một số chủ đầu tư công bố sẽ khởi động trở lại các dự án đã bị đình trệ trong giai đoạn khó khăn.
Theo số liệu tổng hợp từ Cục Đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2023, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 (tăng 30,2%) và 1.816 (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 24/5, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành. Đáng chú ý, đây lần thứ 3 trong chưa đầy 3 tháng NHNN giảm lãi suất điều hành. Đồng thời, từ đầu năm 2023 tới nay, các ngân hàng cũng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian qua, Tổ công tác đã đi các địa phương để đôn đốc cũng như lắng nghe các dự án gặp khó khăn, đồng thời cũng là rà soát các dự án khó khăn như tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… Do vậy, Tổ công tác đã xác định được những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực thi các dự án. Hiện Tổ công tác đang phối hợp cùng các địa phương tiếp tục đôn đốc, rà soát và tháo gỡ.
Tuy nhiên, các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ cần có thời gian để thẩm thấu và vực dậy thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam – cho biết, những chỉ đạo Chính phủ đề cập đến trong Văn bản 178 có ý nghĩa thúc đẩy các chính sách đã đề ra như về tín dụng, giãn nợ cho một số trường hợp được phép giãn nợ, giải quyết vấn đề vay vốn và cho ai vay… phải biến thành các chương trình hành động cụ thể.
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – cho rằng, vấn đề mấu chốt của thị trường BĐS và nền kinh tế là lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Quan trọng nhất là phải ổn định hệ thống tài chính để hỗ trợ cho nền kinh tế; phải có lúc lãi suất tiền gửi thấp thì dòng tiền mới chảy mạnh vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có sự thay đổi nhờ việc các chính sách mới được ban hành. Theo đó, các dự án đáp ứng nhu cầu của thị trường như dự án về cơ sở hạ tầng, dự án nhà ở xã hội, nhà ở bình dân; dòng vốn cho thị trường bất động sản được khơi thông; cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân.
TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, đến khi Luật Đất đai sửa đổi 2023 được thông qua sẽ giúp các nút thắt về pháp lý được tháo gỡ. Theo đó, việc phê duyệt dự án mới nhanh chóng hơn giúp nguồn cung nhà ở phục hồi dần.
Ông Đính cho rằng, những tháng tiếp theo sẽ có sự cải thiện về nguồn cung bất động sản so với quý đầu tiên của năm, nhưng số lượng không đáng kể. Trong đó, nhà ở dự kiến sẽ có hơn 27.000 sản phẩm mới ra mắt. bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng nhờ có nhiều dự án tiềm năng về điện tử và năng lượng.
Ông Đính cho biết, về giá bán, từ đây đến cuối năm, giá bán vẫn tiếp tục đi ngang và có thể sẽ tăng nhẹ nếu lạm phát giảm, lãi suất giảm, nguồn cung mới được bổ sung.
“Đối với phân khúc nhà ở chung cư bình dân và trung cấp, giá sẽ tăng nhẹ nếu nguồn cung mới vẫn khan hiếm như hiện nay. Giá cho thuê bất động sản văn phòng, bán lẻ sẽ không có sự thay đổi nhiều”, ông Đính nói.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng đưa ra nhận định, từ quý IV/2023, đà phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn. Đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu phát huy hiệu quả lớn.
Theo ông Lực, chưa bao giờ các luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Tổ chức tín dụng được sửa đổi cùng lúc như hiện tại. Vì vậy, những điểm nghẽn về pháp lý cơ bản sẽ được tháo gỡ.
Các chuyên gia cùng chung nhận định, đã có sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Chính phủ, đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS.