Tin mới

Thông cáo báo chí: Công bố Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2 và 06 tháng đầu năm 2024 “Toàn cảnh thị trường Bất động sản Việt Nam trước giờ G”

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã công bố Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2 và 06 tháng đầu năm 2024: “Toàn cảnh thị trường BĐS Việt Nam trước giờ G” do Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARs IRE) và VARs Connect phối hợp thực hiện, dưới hình thức trực tuyến.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã bước qua 06 tháng đầu năm 2024 với kết quả tăng trưởng vượt trội, tạo nền tảng để phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2024. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 ước đạt 6,93% và 06 tháng ước đạt 6,42%, vượt cận trên kịch bản được đưa ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Trên nền tảng sự ổn định về tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) quý 2/2024 nói riêng và nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận những kết quả phục hồi tích cực. Đóng góp tới 12 – 14% GDP, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của hơn 40 ngành nghề, có mối liên quan chặt chẽ với sự phát triển của ngành xây dựng – động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, việc thúc đẩy thị trường BĐS cũng là chìa khóa hỗ trợ ổn định và tạo động lực tăng trưởng kinh tế cả năm.

Thực trạng thị trường BĐS Việt Nam quý 2 và 06 tháng đầu năm 2024

Trình bày Báo cáo thị trường, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng VARs IRE cho biết, thị trường BĐS Việt Nam 06 tháng đầu năm 2024 vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với một số “hiện tượng” nổi bật: nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt trên 70%; giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao.

Về các phân khúc BĐS, Phó Viện trưởng VARs IRE đánh giá, nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân vốn đã “nóng” lại càng trở nên cấp thiết khi xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ; đất nền một số khu vực “nóng thật”, một số khu vực có dấu hiệu “thổi nhiệt”; sức hấp dẫn của BĐS công nghiệp ngày càng được khẳng định, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn “lấn sân”.

Cụ thể, quý 2 nguồn cung Nhà ở sơ cấp đạt khoảng 27.335 sản phẩm, với khoảng 19.747 sản phẩm chào bán mới – gấp 3 lần quý trước, còn lại là hàng tồn của các giai đoạn mở bán trước đó.

Tại phần công bố Báo cáo thị trường, ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc SGO Homes nhận định, cùng với tiến trình phục hồi của thị trường, niềm tin thị trường cũng ghi nhận phục hồi đáng kể, phần “chênh” giữa quan tâm, xem xét và mua BĐS được rút ngắn, lượng khách hàng quyết định xuống tiền mua BĐS tăng trưởng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong bối cảnh hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, lãi suất đang duy trì ổn định ở mức thấp, các chủ đầu tư đang mạnh tay triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn,…​ Điều này giúp cho tỷ lệ hấp thụ các phân khúc đều có sự khởi sắc nhẹ. Trong đó, 06 tháng đầu năm, thị trường BĐS sơ cấp ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công. Gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Riêng quý 2, toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công, cao gấp 2,4 lần so với quý 1, được đóng góp từ cả nhu cầu đầu tư và nhu cầu ở thực với nhu cầu đầu tư tăng khoảng 30% so với quý trước.

“Sau thời gian tăng trưởng nóng ở quý 1, giá bán phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ tại quý 2 đã có phần bình ổn hơn. Mức bình ổn này được duy trì trên mặt bằng giá mới, cao hơn.”, ông Chung nói.

Cụ thể, dữ liệu nghiên cứu của VARs IRE cho thấy, chỉ số giá căn hộ chung cư tiếp tục duy trì xu hướng tăng tại cả Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, từ giữa cuối năm 2023, mức tăng trưởng về giá bán của thị trường căn hộ Hà Nội đã bắt đầu tăng và vượt qua mức tăng giá của thị trường Tp. HCM. Tính đến Q2/2024, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu VNĐ/m2. So với kỳ gốc (Q2/2019), giá bán căn hộ sơ cấp Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng (27%) của thị trường TP. HCM.

Thị trường căn hộ Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng về giá thấp hơn so với hai thị trường Bắc, Nam. Tuy nhiên, trong Q2/2024, chỉ số giá căn hộ chung cư Đà Nẵng cho thấy mức tăng trưởng giá bán bình quân cao hơn TP HCM.

Kết quả phục hồi rõ nét tại một số phân khúc và địa phương

Tuy nhiên, bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng VARs IRE nhận định, tiến trình phục hồi của thị trường BĐS vẫn có sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc tại những địa phương khác nhau. Theo đó, xét về phân khúc, phân khúc căn hộ vẫn là phân khúc chủ đạo, “chiếm sóng” thanh khoản thị trường. Phân khúc thấp tầng, đất nền cũng bắt đầu “nhen nhóm” các tín hiệu phục hồi tích cực khi một số dự án, chủ yếu ở khu vực miền Trung trở ra, ghi nhận kết quả mở bán, giao dịch chuyển nhượng khá tốt.

Xét về khu vực, thị trường BĐS khu vực phía Bắc, từ phân khúc đất nền, biệt thự, chung cư,… đều tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng, ở trạng thái sẵn sàng tăng tốc. Khu vực miền Trung, bao gồm thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An bắt đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực ở phân khúc cao tầng trên thị trường sơ cấp và các sản phẩm dòng tiền trên thị trường thứ cấp. Trong khi, quá trình phục hồi tại thị trường miền Nam đang cho thấy sự không đồng đều, với nguồn cung nhỏ giọt, chủ yếu đến từ giai đoạn mở bán tiếp theo của các dự án cũ.

Cụ thể, hơn 60% nguồn cung nhà ở mở bán trong quý 2 đến từ các dự án ở khu vực miền Bắc.​ Về cơ cấu nguồn cung, phân khúc căn hộ “vươn lên”, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn cung nhà ở sơ cấp với hơn 14.646 sản phẩm mới mở bán trong quý 2.​ Trong đó, hơn 43% nguồn cung căn hộ mở bán mới trong quý 2 đến từ 1 dự án đại đô thị ở Hà Nội.

Tỷ trọng nguồn cung căn hộ phân khúc trung cấp ngày càng sụt giảm, chỉ bằng 26% tổng nguồn cung căn hộ. 50% nguồn cung căn hộ đến từ phân khúc cao cấp mở bán trong quý 2. ​Nguồn cung căn hộ trung cấp chủ yếu nằm ở các tỉnh/thành cấp 2,3; các thành phố vệ tinh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Lào Cai, An Giang, Bình Định,… bởi chi phí phát triển dự án tại 2 đô thị đặc biệt ngày càng cao trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm.​

Thị trường tiếp tục “vắng bóng” căn hộ thương mại giá bình dân. Nguồn cung căn hộ bình dân được đóng góp hoàn toàn bởi các dự án Nhà ở xã hội tại các tỉnh thành cấp 2, cấp 3.

Nguồn cung phân khúc thấp tầng, đất nền cải thiện nhẹ, với số lượng dự án mở bán mới tăng trưởng đáng kể, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung trở ra do các khu vực này có nhu cầu đầu tư phục hồi đáng kể.

Về giao dịch nhà ở, hơn 75% lượng giao dịch được đóng góp bởi phân khúc CHCC.​ Lượng giao dịch phân khúc thấp tầng, đất nền trong quý 2 cũng ghi nhận số lượng cải thiện mạnh, tăng 60% so với quý trước. Trong đó, hơn 70% lượng giao dịch được đóng góp bởi 1 dự án đại đô thị tại Hải Phòng. Một số dự án có nguồn cung không nhiều khác tại miền Bắc, miền Trung cũng ghi nhận tỷ lệ hấp thụ khá tốt.

Về kết quả triển khai thực hiện dự án Nhà ở xã hội (NƠXH), ông Lê Đình Chung cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 75 dự án NƠXH với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024 nhưng mới chỉ đạt 9,3% kế hoạch 2021-2025.

Giao dịch phân khúc NƠXH đã được cải thiện nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt khoảng 40% với hơn 800 giao dịch thành công. Giao dịch chủ yếu vẫn đến từ các tỉnh thành phát triển gắn liền với phát triển công nghiệp.

Bàn về phân khúc này, Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng VARs IRE cho biết, “Nhu cầu NƠXH vốn đã nóng lại càng trở lên cấp thiết khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ, gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này được coi là “chìa khóa quan trọng nhất” giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân.”

Dữ liệu nghiên cứu của VARs IRE cũng cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng một số dự án NƠXH xây xong nhưng vướng mắc không bán được, khiến nhiều nhu cầu không được “khớp lệnh”. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến cả chủ đầu tư và người dân đều thiệt hại. Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, trực tiếp tới từng dự án cụ thể để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề này.

Tại thị trường BĐS thứ cấp, nhu cầu vẫn đang tiếp tục hướng đến các sản phẩm thỏa mãn các yếu tố: có pháp lý sạch; có tiềm năng tăng giá tại các địa phương có quy hoạch tốt, có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng; có giá trị,… Nhu cầu đầu tư cũng có xu hướng dịch chuyển phân khúc chung cư sang đất nền vùng ven, nhà phố ngoại thành, trung tâm các tỉnh thành lân cận 2 đô thị đặc biệt.

Giao dịch đất nền vùng ven bắt đầu “tăng nhiệt” nhưng chưa thực sự “sôi động” với mức giá tiếp tục tăng khoảng 5-10% so với đáy. Lượng nhu cầu chuyển hóa thành cầu tăng trưởng, xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi “săn” đất, chủ động xây nhà tại các mảnh đất đầu tư chờ tăng giá để cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng. Hoạt động đấu giá đất tại một số địa phương ghi nhận số lượng hồ sơ tăng vọt trong thời gian gần đây; mức đấu giá thành công cao hơn từ 20% tới 10 lần so với giá khởi điểm.

Đáng chú ý, trong những tháng vừa qua thị trường đã ghi nhận sự quay trở lại hoạt động của 1.577 doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm 2023 đến hết quý 2/2024, đã có 4.589 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và 2.210 doanh nghiệp thành lập mới.

Về tình hình hoạt động của Môi giới BĐS, các thị trường có tiến trình phục hồi tốt, có nhiều hơn dự án ra hàng ghi nhận số lượng sàn giao dịch, môi giới BĐS gia nhập mới, trở lại hoạt động tăng cao. Ước tính tổng số lượng bằng khoảng 60% so với giai đoạn “đỉnh”.​ Trong khi một số khu vực ghi nhận thêm sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động. Cá biệt có những nơi gần như không còn “bóng dáng môi giới BĐS” như Lào Cai, Phú Yên…

BĐS Công nghiệp, Thương mại “sôi động”, BĐS du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu có tín hiệu mới

Là “ngôi sao sáng”, với nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu… thời gian vừa qua, BĐS công nghiệp liên tục duy trì là phân khúc dẫn đầu trong thị trường BĐS Việt Nam, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm 10 dự án đầu tư khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhiều khu công nghiệp lớn khởi công như VSIP Lạng Sơn, VSIP Hà Tĩnh. Các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực BĐS bao gồm cả doanh nghiệp trước đây chỉ tập trung phát triển phân khúc nhà ở cũng như một số tập đoàn hoạt động đa ngành như DIC Holdings, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô… đã và đang lên kế hoạch “thâu tóm” quỹ đất để phát triển BĐS công nghiệp.

Phân khúc BĐS thương mại – văn phòng tiếp tục ghi nhận những chuyển biến mang tính tích cực. Các tòa nhà văn phòng mới đều được đầu tư xây dựng với không gian, tiện ích chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn EDGE, LEED, WELL,…, đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60% chỉ trong thời gian ngắn đi vào hoạt động do nhu cầu mở rộng quy mô, dịch chuyển sang các tòa nhà văn phòng chất lượng cao của các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính, công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.​

Thị trường BĐS thương mại bán lẻ cũng ghi nhận dấu hiệu “tăng nhiệt” với nguồn cung và nguồn cầu đều tăng trưởng cùng xu hướng phát triển các mô hình Trung tâm thương mại mới, đặc biệt là các tổ hợp mua sắm – vui chơi giải trí – ẩm thực dưới dạng các phố thương mại, nổi bật là Grand World (The Venice và K-Town), Center Point, Little Hong Kong. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp bán lẻ hiện dịch chuyển sang phân khúc này do lưu lượng khách lớn và ổn định, CĐT cũng liên tục tổ chức các sự kiện văn hóa để hút khách, mang lại nguồn doanh thu lớn. Trong khi nhiều mặt bằng nhà phố tại các tuyến phố đắc địa vẫn để trống do giá chào thuê vẫn ở ngưỡng cao, mặt bằng nhỏ, không phù hợp với nhu cầu của nhóm doanh nghiệp có khả năng trả mức giá thuê.

Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã có tín hiệu tích cực hơn ở quý 2 so với quý 1. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, dù nguồn cung và lượng giao dịch ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, toàn thị trường ghi nhận 3.114 sản phẩm mở bán mới, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2023 nhưng mới chỉ bằng 27% cùng kỳ năm 2022.​ Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới trong 2 quý đầu năm đạt 58% tương đương với 1.799 giao dịch. Tuy nhiên, 87% nguồn cung, 94% lượng giao dịch đến từ 1 dự án phân khúc căn hộ du lịch (condotel) duy nhất ở tại Nha Trang và hiếm hoi trên cả nước được cấp sổ hồng.

Đánh giá về hoạt động M&A, báo cáo của VARs IRE chỉ ra, trong quý 2/2024, thị trường ghi nhận xu hướng liên kết phát triển dự án BĐS giữa các doanh nghiệp trong nước. Nổi bật trong đó là các “ông lớn” BĐS có tiềm lực tài chính mạnh bắt đầu gia nhập thị trường M&A, với việc “chạy đua” lên kế hoạch các quỹ đất pháp lý sạch; chào bán, kêu gọi hợp tác đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Trong đó, nổi bật là một số “thương vụ” như “cái bắt tay” giữa địa ốc Hoàng Quân – Tập đoàn Novaland để xây nhà ở xã hội tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; Danh Khôi và Knightsbridge Partners – đơn vị phân phối BĐS hàng đầu tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc); Kusto Group và Coteccons…

“Những “sôi động” đạt được trên thị trường trong 06 tháng đầu năm 2024 là kết tinh của nhiều điểm trội với sự hợp lực của cả Chính phủ, các cơ quan ban ngành và bản thân các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Nửa đầu năm 2024, bức tranh tổng thể của thị trường BĐS Việt Nam đã có thêm nhiều hơn gam màu sáng với kết quả phục hồi rõ nét ở một số phân khúc, địa phương. Mặc dù các “điểm trội” chưa đủ lực giúp thị trường “bùng nổ” nhưng chắc chắn sẽ là tiền đề cho các kết quả ấn tượng hơn vào nửa cuối năm”, Phó Viện trưởng VARs IRE kết luận.

Trước giờ “G”

VARs IRE cho rằng, nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang duy trì, chờ đợi những “nút thắt” được tháo gỡ để thực sự “khỏe” trở lại. Dự báo về tình hình hình thị trường BĐS thời gian tới, nếu được Quốc hội thông qua, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây, sớm hơn năm tháng so với quyết định trước đó. Khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý “chờ đợi” sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bắt đầu “rục rịch” chuyển động, các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước; các CĐT tự tin hơn với việc ra hàng; nhà đầu tư có niềm tin trở lại; môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới thay đổi, đáp ứng các quy định mới;… ​

Tuy nhiên, lưu ý nguy cơ phát sinh “mâu thuẫn” nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và link được đầy đủ với các điều luật và/hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường. ​Các bộ luật mới chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường nhưng cũng sẽ là “bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi.​

Do đó, VARS kiến nghị, ngoài việc cần thực sự quyết tâm để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.​ Cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết, “trải đường sẵn” để các Bộ luật có cơ hội được thực thi ngay khi chính thức có hiệu lực.​ Để đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới, cần nâng cao công tác phổ biến kiến thức pháp luật thông qua việc khuyến khích tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, chương trình phổ biến cơ chế, chính sách. Đồng thời, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo không tạo ra khoảng trống hay kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện. Cũng như nâng cao công tác theo dõi, giám sát, có hình thức kỷ luật với các trường hợp cố tình “né tránh” gây chậm trễ trong việc thực hiện.​

Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật, đánh giá kết quả thực thi của các đạo luật mới, tích cực tiếp nhận thông tin phản hồi từ các chủ thể liên quan để đảm bảo có sự điều chỉnh kịp thời.​ Xác định rõ phương châm “không fix cứng, sai ở đâu sửa ở đó, cái gì chưa tốt, cần nâng cấp ngay”.​

Đặc biệt, cần quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, cụ thể tới từng dự án, nhất là các dự án nhà ở xã hội.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS khi chính thức có hiệu lực sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS – Ý kiến từ các chuyên gia

Đánh giá về các tác động của các bộ Luật liên quan tới BĐS vừa được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, các bộ Luật mới chắc chắn sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường. Bởi lẽ các bộ Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc này. Trên thực tế, nỗ lực giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn được thể hiện trong các đạo Luật vừa được thông qua, tuy chưa đạt tới kỳ vọng, nhưng chắc chắn sẽ phát huy hiệu lực tích cực.​

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định, việc đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực chính thức của ba bộ Luật trên 5 tháng so với quy định sẽ góp phần tích cực tới thị trường BĐS. Điều này giúp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện Đề án nhà ở xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Dưới góc nhìn kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, các bộ Luật khi có hiệu lực sớm về mặt thời gian sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi đóng góp từ 12-14% GDP quốc gia. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là cho cả quá trình phục hồi kinh tế.

“Cả 3 bộ Luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các “nút thắt” cho thị trường khi 70-80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý. Đồng thời tạo nền tảng cho thị trường BĐS phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các Nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường”, TS Thành nhấn mạnh.

Tương tự, TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận, TS Kinh tế, Biên tập viên cao cấp, Thư ký Hội đồng khoa học – nghiệp vụ Báo Nhân dân đánh giá, Luật Đất đai được xem là nền tảng cơ sở của hai bộ Luật còn lại, khi các bộ Luật chính thức có hiệu lực sẽ tạo điều kiện tháo gỡ pháp lý, góp phần đẩy nhanh thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân về giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các quy định mới trong Luật cũng góp phần tạo sân chơi rộng hơn, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, có hai vấn đề cần hết sức lưu ý đó là có thể giá BĐS sẽ tăng lên vì các quy định tính giá đất theo giá thị trường, điều này khiến cho việc tiếp cận BĐS của người dân gặp khó khăn hơn. Chắc chắn sẽ phát sinh những điểm trống, bất cập cần lưu ý để giải quyết.

Cần thêm trợ lực nào để BĐS thực sự ổn định và phát triển trở lại?

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, để thị trường BĐS Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông” trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung”- để cung và cầu BĐS bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”. Trong đó, có mấy việc cần phải làm, cấp bách đúng nghĩa.​

Thứ nhất, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường.​

Thứ hai, thông các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp kinh doanh BĐS và khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.​

Thứ ba, xem xét các giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên.​

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.

Quan trọng nhất, cần lưu ý các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Khơi thông vốn cho thị trường BĐS chính là khâu trọng yếu đó.​

Theo ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết luật để đảm bảo các quy định này sớm đi vào thực tế, có như vậy việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các bộ luật mới thực sự có ý nghĩa.; sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS; sớm có giải pháp phát triển nhà ở xã hội như chỉ đạo của Ban Bí thư; sớm bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để đảm bảo có đủ căn cứ định giá đất và các hoạt động liên quan khác.​.​.

Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường.

Đối với các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đang chưa được như kỳ vọng, đặc biệt, hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BĐS và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS.

Doanh nghiệp cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển BĐS hợp túi tiền, nhu cầu của người dân. Phân khúc nhà ở xã hội, cần có cái nhìn nhận mới, theo hướng là kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Cuối cùng, để các Bộ Luật vừa được thông qua thực sự đem lại tác động tích cực cho thị trường BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Minh Phong lưu ý, các văn bản hướng dẫn Luật phải thật sự “chất lượng”, cụ thể, chi tiết, đảm bảo thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và thực hiện theo; các cơ quan chức năng cần hiểu đúng để có thể vận dụng chính xác trong quá trình thực hiện; cần đảm bảo sự công khai, tính minh bạch trong quá trình triển khai; tiếp tục đón nhận các ý kiến phản biện từ các đối tượng để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực thi; cần nghiêm minh, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý đúng và kịp thời.​

Hơn hết tiếp tục củng cố niềm tin người dân; tăng tính hấp dẫn các sản phẩm BĐS; có chính sách hỗ trợ tốt hơn với phân khúc nhà ở xã hội.

Lagi City Land
5/5
Theo dõi Fanpage

Bài viết liên quan

Chúng tôi sẽ liên hệ lại