UBND tỉnh Bình Thuận chính thức ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận – Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư du lịch, dịch vụ
Ngày 4.7, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa kí Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng làm tổ trưởng. Các tổ phó gồm 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh. Các tổ viên gồm 12 lãnh đạo các Sở, ban, ngành và còn có Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhệm vụ phát hiện những bất cập và tồn tại, Tổ công tác sẽ có quyền hạn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó. Đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… của dự án trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết…
Về phương thức hoạt động, Tổ công tác sẽ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư trên địa bàn Bình Thuận do các sở, ban, ngành, địa phương đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.
Bên cạnh đó, tổ công tác sẽ có nhiệm vụ thực hiện rà soát dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình; Tiến hành rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, phát biểu và kết luận tại hội nghị, ông Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhấn mạnh: hiện nay Bình Thuận đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên, cần có sự nỗ lực, quyết tâm và cố gắng hơn để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
“Trước hết, các cấp, các ngành phải tự cải thiện, tập trung giải quyết các công việc tồn đọng, những vướng mắc, khắc phục tình trạng “ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm việc không đến nơi đến chốn, cầm chừng, làm cho qua, làm cho đủ, làm cho xong nhưng không chú ý đến chất lượng”, ông An nói.
Cũng theo ông An, để thực hiện mục tiêu và kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; phải xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, phải đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp để thấu hiểu, chia sẻ và thực hiện tốt chức trách của mình. Mỗi cán bộ cần ráng thêm một chút, nỗ lực thêm một chút để công việc chung được trôi chảy hơn”.
Lối thoát cho Novaland khi các đại dự án được tháo gỡ
Chính phủ giao Bộ Xây dựng gỡ khó cho dự án NovaWorld Phan Thiet có tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD của Novaland.
Kế hoạch doanh thu nghìn tỉ
Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) vào ngày 22.6 đã thông qua nhiều kế hoạch quan trọng. Cụ thể, năm 2023, Novaland đặt kế hoạch doanh thu đạt 9,5 nghìn tỉ đồng, giảm 15% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 214 tỉ đồng, giảm 90%.
Nhận định về kế hoạch này, Chứng khoán VietCap (VCSC) cho rằng kế hoạch lợi nhuận thấp là do biên lợi nhuận từ bán bất động sản thấp vì Novaland áp dụng chiết khấu đối với các bất động sản dùng để hoán đổi nợ và quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo. Về kế hoạch dài hơi cho giai đoạn 2023-2027, Novaland dự kiến doanh thu đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 91%, tương đương với doanh thu năm 2027 đạt 127 nghìn tỉ đồng. Kế hoạch này dựa trên kỳ vọng của ban lãnh đạo về việc tiếp tục bàn giao và mở bán dự án mới. Trong năm 2024, ban lãnh đạo dự kiến mở bán 2 dự án thấp tầng tại TPHCM và 1 khu đô thị vệ tinh mới gần TPHCM. Novaland cũng kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phục hồi vào quý 3/2023. Trong quý 2/2023, Novaland đã tái khởi động xây dựng các dự án Grand Manhattan, Victoria Village (TPHCM), Novaworld Hồ Tràm (Vũng Tàu) và Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận) từ nguồn vốn hỗ trợ của một số ngân hàng thương mại.
Trong đó, sự kỳ vọng về việc hồi sinh các dự án lớn của tập đoàn này đang tập trung vào việc “giải cứu” cho đại dự án Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận). Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa chuyển đến Bộ Xây dựng (cơ quan thường trực Tổ công tác của Thủ tướng) báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận về các vướng mắc liên quan tới dự án tổ hợp khu du lịch Thung lũng Đại dương (tên thương mại Novaworld Phan Thiết) tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Dự án do Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận (công ty con Tập đoàn Novaland) làm chủ đầu tư. Đáng chú ý trong các đề xuất gỡ vướng mắc cho dự án này, tỉnh Bình Thuận cho rằng về chủ trương đầu tư, tháng 4.2019, tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định 934 chấp thuận chủ trương cho chủ đầu tư thay đổi mục tiêu dự án là đầu tư khu biệt thự, khu phố thương mại để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án. Nhưng qua rà soát các quy định hiện hành của pháp luật thì chưa có quy định cụ thể về loại hình biệt thự để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với mục tiêu và các loại hình nêu trên là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, theo báo cáo thì Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận đã ký khoảng 3.000 hợp đồng với khách hàng nên việc hủy bỏ chủ trương đầu tư ảnh hưởng rất lớn đến dự án cũng như quyền lợi khách hàng. Vì thế, tỉnh Bình Thuận đề nghị Tổ công tác xem xét, thống nhất phương án cho tỉnh giữ nguyên chủ trương đầu tư dự án theo quyết định 934.
Bên cạnh đó, một kiến nghị quan trọng của tỉnh Bình Thuận đó là giải quyết vướng mắc về chuyển hình thức sử dụng đất sang thuê đất trả tiền một lần theo kiến nghị của chủ đầu tư. Đầu tháng 5, công ty đề nghị tỉnh cho phép chuyển hình thức sử dụng đất của khu biệt thự, nghỉ dưỡng, phố thương mại từ trả tiền hàng năm sang thuê trả tiền một lần. Một trong những lý do công ty con của Novaland đưa ra là đã và đang bán toàn bộ các công trình này cho khách hàng với quyền sở hữu công trình trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất theo thời hạn dự án. Tuy nhiên, vì trả tiền thuê đất hàng năm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện phương án kinh doanh, huy động vốn cho dự án và có khả năng gây phản ứng tiêu cực của khách hàng. Đồng thời, việc này cũng gây khó cho các cơ quan chức năng khi cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng mua biệt thự nghỉ dưỡng và khu phố thương mại.
Vì vậy, Bình Thuận kiến nghị cho chủ đầu tư được chuyển sang trả tiền thuê đất một lần với phần diện tích xây dựng biệt thự và khu phố thương mại. Theo tỉnh, đây phương án tối ưu, phù hợp với quy định pháp luật và giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc phức tạp trong hoạt động kinh doanh tại dự án, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thành lập Tổ công tác để hướng dẫn tỉnh Bình Thuận trong công tác xác định giá đất NovaWorld Phan Thiết để dự án sớm được triển khai đi vào hoạt động.
Lam Lam